Bối cảnh Liên_minh_trên_biển

Từ khi Bắc Tống lập quốc ở Trung Nguyên, nước Liêu đã là cường địch ở phương bắc. Liêu đã từng có dã tâm xâm lược, Tống luôn muốn giành lại 16 châu Yên, Vân, hình thành cục diện nam – bắc đối địch. Sau khi ký kết liên minh Thiền Uyên (1004), hai nước có được khoảng trăm năm hòa bình, cũng là bởi không bên nào còn đủ khả năng tiêu diệt đối phương [1].

Năm 1115 (năm Chính Hòa thứ 5 nhà Bắc Tống), dân tộc Nữ Chân ở phía bắc nước Liêu dưới sự lãnh đạo của A Cốt Đả thuộc thị tộc Hoàn Nhan nổi dậy phản kháng, liên tiếp thắng lợi, rồi kiến lập nước Kim. Người đất Yên là Mã Thực, được Đồng Quán tiến dẫn, dâng lên Tống Huy Tông sách lược liên Kim diệt Liêu. Được xu nịnh bởi bọn gian thần Sái Kinh, Đồng Quán, Tống Huy Tông tin rằng nước Liêu sắp mất đến nơi, nước Kim sẽ thay thế, nếu tiến hành việc này thì có thể vừa hòa hảo với Kim, vừa giành lại 16 châu Yên, Vân; nên quá đỗi vui mừng, đổi tên Mã Thực ra là Triệu Lương Tự, cho tham dự cơ mưu [2].